logo
logo
Thông tin thị trường

Khi ứng dụng thương mại điện tử Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam, doanh nghiệp phải làm gì để không thua trên “sân nhà"?

Nguyễn Viết Lộc
Khi ứng dụng thương mại điện tử Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam, doanh nghiệp phải làm gì để không thua trên “sân nhà"?

Ngay trong chiều 22/10/2024, mạng xã hội "rần rần" trước thông tin chương trình Chương Trình Affiliate & Influencer của Temu. Độ chịu chơi của sàn TMĐT nổi tiếng xứ Trung có không ít ý kiến trái chiều, người mua được lợi - người bán thêm lo. Chỉ trong năm 2024, thị trường thương mại điện tử nội địa đã có những bước tiến cực nhanh, không chỉ ở những thay đổi trên các nền tảng mua sắm online và thương mại điện tử Việt Nam, mà còn ở "cơn lốc" hàng giá rẻ Trung Quốc âm thầm đổ bộ - đi đầu là những cái tên như 1688, Shein và Temu.

Rẻ và Nhanh: sự hấp dẫn của các ông lớn Trung Quốc với người tiêu dùng Việt

Chỉ cần dạo một vòng trên các sàn TMĐT Việt Nam, dễ dàng nhận thấy cùng một mẫu mã nhưng các shop quốc tế lại có giá thành rẻ hơn từ 10% - 50% so với shop nội địa. Tốc độ giao hàng của các đơn lẻ từ Trung Quốc và Việt Nam đang ngày càng nhanh với tiềm lực logistics mạnh mẽ, cước vận chuyển thấp (chỉ từ 10.000/đơn, sau khi áp mã voucher chỉ còn 0đ), vận chuyển thẳng về tay người tiêu dùng và thanh toán COD thay vì phải qua trung gian hay trả trước. Đa số các khách hàng khi đặt thử trên các app Trung Quốc đều có cảm quan đầu tiên là giá rẻ, tiếp theo là thời gian ship nhanh chóng trong khoảng 4-7 ngày và sự đa dạng trong mẫu mã. Việc mua sắm hàng "tận xưởng" như vậy cũng khiến khách hàng thích thú khi tự tìm được những sản phẩm độc lạ, không đại trà, tăng thêm lựa chọn cho các nhà khởi nghiệp, nhà bán hàng Việt Nam tìm kiếm nguồn hàng chất lượng với chi phí thấp.

san-tmdt-temu.jpg

 

Việc các trang tin TMĐT lớn như 1688, Temu cập nhật bản hỗ trợ tiếng Việt và giao trực tiếp về Việt Nam khiến áp lực lên các sàn TMĐT nội địa và nhà bán hàng Việt tăng cao. Ngay cả Taobao khi chưa có hỗ trợ tiếng Việt cũng đã cho phép vận chuyển đến địa chỉ của người dùng tại Việt Nam. Chiến lược giá thấp với cuộc chiến chiết khấu mạnh tay khiến các sàn TMĐT Trung Quốc ghi điểm với người tiêu dùng Việt.

Chuỗi cung ứng toàn cầu linh hoạt của Temu giúp họ có khả năng cạnh tranh giá thấp tại một thị trường mới. Họ sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh của bên thứ ba và có kho Quảng Đông xử lý hậu cần siêu nhanh gọn. Ngoài ra, Temu còn sử dụng công thức của Pinduoduo, giúp người dùng lập nhóm để gộp đơn thành một đơn lớn với giá chiết khấu cao, áp dụng chương trình giảm giá cho các user giới thiệu thêm khách mới. Chính sách giảm giá đến 90% của Temu khiến các gã khổng lồ TMĐT của Trung Quốc hay Mỹ cũng phải e ngại.

Đứng trước áp lực cạnh tranh giá từ nguồn hàng siêu rẻ Trung Quốc trên cùng một nền tảng bán hay các ứng dụng nước ngoài, các nhà bán hàng Việt Nam còn phải chịu sự cạnh tranh gay gắt ngay trên sàn nội địa khi các chiết khấu và quy định của sàn ngày càng siết chặt.

"Trâu chậm uống nước đục" - thách thức cho các nhà bán hàng Việt Nam cần nhanh chóng thay đổi và thích nghi

Các ứng dụng TMĐT Trung Quốc đang ở trong giai đoạn đầu thâm nhập thị trường, còn rất nhiều hạn chế và thách thức cho họ khi muốn đánh chiếm khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

Dễ dàng nhận thấy phiên bản ra mắt của 1688 hay Temu Việt Nam còn khá thô sơ, chưa đa dạng hình thức thanh toán cũng như các dịch vụ vận chuyển. Ngoài ra, việc xử lý các khiếu nại, đổi trả, hoàn tiền cũng là vấn đề khiến nhiều khách hàng băn khoăn. Bên cạnh đó, các sản phẩm nhập về chỉ có tiếng Trung, gây khó khăn cho người dùng có thể đọc hiểu tem nhãn, hướng dẫn sử dụng.

"Cơn lốc" Temu cũng đang phải đối mặt với các câu hỏi về gây thất thoát thuế, khi mà theo Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg, hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị dưới 1 triệu đồng sẽ không bị thu thuế giá trị gia tăng. Lúc này, chính phủ cần phải vào cuộc để xem xét và đưa ra các chính sách kịp thời để ổn định thị trường, tạo ra cạnh tranh công bằng trên sân nhà.

con-loc-san-tmdt-tai-thi-truong-viet-nam.jpg

Khi rào cản biên giới trong Thương mại điện tử mờ dần, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội học hỏi được cách vận hành thương mại điện tử hiện đại từ quy trình giao hàng, chuỗi cung ứng đến các công nghệ bán hàng trực tuyến như livestream hay tối ưu hóa sản phẩm như thiết kế gian hàng, lựa chọn từ khóa sản phẩm, mô tả sản phẩm... (theo ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam). Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp, các nhà bán hàng nhỏ có cơ hội tiếp cận nguồn cung ứng hàng hóa đa dạng, nhanh chóng, tận dụng hệ thống logistics từ Trung Quốc để tối ưu chi phí cho hoạt động kinh doanh. Trong bối cảnh thị trường cởi mở, nhà bán hàng Việt Nam cũng có thể tận dụng nền tảng TMĐT của Trung Quốc để mở rộng thị trường, tiếp cận người mua tại xứ sở tỷ dân này.

Để đối phó với sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp Trung Quốc, doanh nghiệp Việt cần xây dựng một chiến lược kinh doanh dài hạn, tập trung vào việc tạo ra giá trị khác biệt cho khách hàng. Thay vì cạnh tranh về giá, doanh nghiệp Việt nên tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, xây dựng thương hiệu mạnh và tạo ra những trải nghiệm mua sắm độc đáo cho khách hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm kiếm các cơ hội hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế để mở rộng thị trường và tăng cường năng lực cạnh tranh.

Người tiêu dùng ngày càng thông thái, họ sẵn sàng lựa chọn các sản phẩm có mức giá nhỉnh hơn nếu nó có chất lượng tốt và được chăm sóc, đối đãi ân cần. Lúc này, bài toán của doanh nghiệp là làm sao để tận dụng lợi thế nội địa, tăng cường vào hậu cần nhanh chóng, dịch vụ chăm sóc tận tình, phát triển sản phẩm và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ về warehouse, fulfillment, marketing, quảng cáo đa nền tảng hay vận hành sàn TMĐT hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhà bán hàng Việt nhiều hơn.

dich-vu-hoan-tat-don-hang-fulfillment.jpg

Fulfillment cho các sàn Thương mại điện tử là một dịch vụ xử lý và hoàn tất đơn hàng từ bên thứ 3, giúp các nhà bán hàng trên các sàn TMĐT giảm bớt các chi phí trên mỗi đơn hàng (chi phí nhân công, chi phí kho bãi, chi phí phạt từ các sàn khi không đáp ứng kịp yêu cầu giao hàng hay đóng gói hàng hóa không đảm bảo). 

Bằng cách giao phó công việc vận hành kho, đóng gói và giao hàng cho các đơn vị chuyên nghiệp, doanh nghiệp có thể tập trung vào việc phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu và tìm kiếm khách hàng mới. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của các công nghệ hiện đại, Fulfillment còn giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động và mang đến trải nghiệm mua sắm tuyệt vời cho khách hàng. Đây chính là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam vượt qua những thách thức từ các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc, nắm bắt cơ hội để không mất vị thế sân nhà.

avatar
Nguyễn Viết LộcNguyễn Viết Lộc là chuyên viên Content tại EFEX. Dựa trên kinh nghiệm 2 năm trong ngành TMĐT, hậu cần và Logistics, Nguyễn Viết Lộc chia sẻ các bài viết hữu ích cho độc giả để biến hoạt động kinh doanh nhàm chán, khó khăn của doanh nghiệp SME tại Việt Nam trở nên thú vị, nhiều sắc màu và hiệu quả.